ĐỘI NỮ PHÁO BINH 8/3 SỐNG MÃI

ĐỘI NỮ PHÁO BINH 8/3 SỐNG MÃI TRONG LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG
                                                                         Ghi chép của Lý Chiêu Thanh                                                                                                                             
                           
Xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm nơi khai sinh đội nữ pháo binh 8/3.
  Bằng cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968, ta đã đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ - nguỵ. Nhưng, ngay sau đó chúng đã phản công quyết liệt, tiếp tục thực hiện kế hoạch “quyét và giữ ”. Chúng tổ chức lực lượng bộ binh, biệt kích, thám báo, pháo binh, không quân, xe tăng, càn quyét, đánh phá sâu vào các vùng căn cứ, vùng giải phóng, đường hành lang chiến lược của ta. Tại Lâm Đồng, chúng tăng cường ném bom, giải chất độc hoá học, bắn pháo, xua quân đi càn quyét, lùng sục, phá hoại hoa màu, tài sản của nhân dân các vùng căn cứ. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ và Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng có chủ trương rút một số nữ thanh niên ở các cơ quan trong tỉnh, ở những buôn làng vùng căn cứ và một số ở đơn vị vận tải H50 để thành lập đơn vị hoả lực cối 82 mm.
Ngày 22 tháng 12 năm 1968, tại Suối Cheo, xã Lộc Bắc, Đội nữ pháo binh được thành lập ( lấy phiên hiệu 8/3). Quân số ban đầu gồm 42 đồng chí. Trong đó có 20 đ/c là người K’ho, Châu Mạ, hầu hết ở Lộc Bắc, Lộc Bảo và Đinh Trang Thượng. Đơn vị biên chế thành 2 khẩu đội.( Khẩu đội 1 & 2), 01 tiểu đội bộ binh và trinh sát. Ban chỉ huy gồm 4 đ/c: Đồng chí Phan thị Thanh Hùng là đội trưởng. Đồng chí Lê thị Pha là chính trị viên. Đ/c Nguyễn thị Hường, đội phó phụ trách hậu cần. Đ/c Lê thị Phước, quân y sỹ phụ trách tổ quân y. Đơn vị thành lập 01 chi bộ với 07 đảng viên, 01 chi đoàn với 20 đoàn viên. Trang bị  gồm: 02 khẩu cối 82mm, 01 khẩu M79, 20 khẩu súng AK & Cacbin. Nhiệm vụ của đơn vị được ban chỉ huy quân sự tỉnh qui định:   Nhanh chóng ổn định biên chế tổ chức và trang bị. Khẩn trương học tập chính trị, huấn luyện thao tác xử dụng cối 82mm và các loại vũ khí được trang bị. Học tập chiến thuật đánh pháo binh, bộ binh, bảo đảm  khả năng chiến đấu độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng vũ trang khác của tỉnh.Tham gia phát động quần chúng, tuyên truyền đường lối, chính sách của cách mạng cho nhân dân trong vùng địch, xây dựng cơ sở tổ chức đánh địch. Tăng gia sản xuất, tự túc lương thực để nuôi quân và chi viện cho các đơn vị bạn.
 Nhiệm vụ của đơn vị là hết sức nặng nề, trong khi khó khăn chồng chất: Quân số huy động từ nhiều nguồn, nếp sống khác nhau, ngôn ngữ bất đồng. Phần lớn có trình độ văn hoá thấp, thậm chí mù chữ, khả năng tiếp thu kĩ, chiến thuật chậm … Tuy nhiên, toàn đơn vị lại có một thế mạnh cơ bản, đó là : ý chí thống nhất, quyết tâm đánh địch rất cao và lòng tin son sắt vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần khẩn trương, chi bộ và ban chỉ huy đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức; ban đêm học văn hoá, ban ngày luyện tập quân sự. Bởi vậy, sau hơn một tháng, các chiến sỹ đã sử dụng thành thạo cối 82 ly và các loại vũ khí được trang bị khác. Toàn đơn vị ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hừng hực khí thế với quyết tâm cao độ: ra quân là chiến thắng.
Thành tích và một số trận đánh tiêu biểu của đội nữ pháo binh 8/3.
Trong 6 năm công tác và chiến đấu, cán bộ chiến sỹ đội nữ pháo binh luôn là một khối thống nhất, hết lòng thương yêu nhau như chị em ruột thịt trong một đại gia đình. Vì thế đơn vị đã vượt qua mọi thử thách khốc liệt của chiến tranh. Trong mọi hoàn cảnh: độc lập hay hợp đồng tác chiến, vận động quần chúng hay trong công tác binh vận, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đơn vị đã đánh địch trên 50 trận bằng pháo binh và bộ binh. Diệt và làm bị thương gần 300 tên Mỹ- Nguỵ, trong đó có hơn 40 lính Mỹ. Bắn cháy 04 máy bay ( 01 máy bay trinh sát L19, 03 máy bay trực thăng HU1A ), phá huỷ 03 khẩu pháo 105mm, bắn cháy và phá huỷ 50 xe quân sự các loại, thu 30 khẩu súng, phá huỷ một kho săng và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Năm 1970, chiến trường ngày càng ác liệt. Lương thực thiếu trầm trọng. Chi bộ quyết định điều một số chiến sỹ và tuyển thêm một số nữ thanh niên ở các buôn làng vùng căn cứ, phát hơn 05ha rừng để trồng cây lương thực và chăn nuôi. Trong 05 năm đơn vị đã sản xuất được hơn 20 tấn lương thực, thực phẩm để tự túc nuôi quân và chi viện cho các đơn vị bạn. Trong công tác vận động quần chúng và binh vận, đơn vị đã kết hợp với các lực lượng vũ trang, các đội công tác đột ấp đánh địch; rải hàng vạn truyền đơn tuyên truyền đường lối chính sách của cách mạng cho nhân dân, đã kêu gọi hàng chục binh lính nguỵ mang vũ khí về với cách mạng.
Trận đầu tiên của đơn vị là trận đánh bằng bộ binh. Đầu tháng 1 năm 1969, đơn vị được lệnh phối hợp với đại đội 215 công binh của tỉnh chặn đánh một đại đội bảo an đi mở đoạn đường 20 do ta khống chế thuộc địa bàn K4 ( huyện Đahuoai bây giờ). Biết được ta đã bố trí phục kích nên địch tổ chức đánh bọc từ phía sau rừng . Sau một ngày vật lộn, quần nhau với địch, có 17 tên lính bảo an bị tiêu diệt, ta thu được 09 khẩu súng. Ta hy sinh 02 đ/c (thuộc đơn vị 215). Đội nữ pháo binh bị thương 01 đ/c.
Bà Lưu thị thanh An bên bàn thờ Anh hùng Lê thị Pha

Bà Lưu thị thanh An và bà Dư kim Hoa (bên trái)
Thắng trận đầu ra quân đã tạo khí thế phấn khởi, củng cố lòng tin và quyết tâm thi đua đánh địch trong toàn đơn vị.
  Trở lại căn cứ, đơn vị tiếp tục học tập kĩ thuật, chiến thuật cối 82mm. Sau một tuần với 04 quả cối bắn thử, đơn vị bước vào trận thứ 2, đánh địch bằng phaó binh. Ngày 25 tháng 1 năm 1969, với 02 khẩu cối 82mm và 100 quả đạn, đơn vị đã nã cấp tập vào Toà hành chính nguỵ tỉnh Lâm đồng ( nay là UBND TP Bảo lộc), sân bay CoHin đa, trận địa pháo 105 của địch (đặt gần quảng trường của TP Bảo lộc bây giờ ). Mục đích khống chế, không cho địch chi viện, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị đặc công 715 của tỉnh tập kích vào hậu cứ lữ đoàn 173 của Mỹ. Trận này, ta đã tiêu diệt 40 mươi tên Mỹ-nguỵ, phá huỷ 01 máy bay L19, 02 máy bay trực thăng, 11 xe cơ giới, 04 nhà kho của địch.
Phát huy thắng lợi, đêm 15 tháng 5 năm 1969, khẩu đội 1, do đ/c Lưu thị Thanh An chỉ huy, tiếp tục bắn 50 quả đạn vào tiểu khu toà hành chính, diệt và làm bị thương 25 tên địch, bắn cháy 01 máy bay trực thăng. Đêm 17/5/1969, khẩu đội 2 do đ/c Lê thị Phước - trung đội phó - chỉ huy,  bắn 50 quả đạn vào khu hậu cần lữ đoàn 173 tại Đạ nghịch ( nay là nghĩa trang liệt sỹ của xã Lộc Châu ) làm cháy rụi 20 xe quân sự các loại và một kho săng.
Ngay sau trận đánh, trên đường hành quân tiếp cận trận địa mới, bất ngờ “tao ngộ” với một trung đội Mỹ, đơn vị đã bình tĩnh chống trả quyết liệt, bảo tồn được vũ khí, khí tài. Tuy nhiên,  đơn vị có 02 đ/c hy sinh trong đó có đ/c chỉ huy phó. 05 đ/c bị thất lạc. 02 đ/c được đơn vị tìm thấy 9 ngày sau đó. 03 đ/c còn lại, chỉ có hai đ/c trở về được với đơn vị sau 25 ngày ăn rau rừng và uống nước suối cầm hơi. Còn một đ/c bị kiệt sức vĩnh viễn nằm lại với núi rừng. Nỗi đau riêng của đơn vị chưa nguôi, nỗi đau chung của cả dân tộc ập tới, đó là tin Bác đã vĩnh viễn đi xa. Toàn đơn vị tổ chức lễ truy điệu Bác và hạ quyết tâm góp phần thực hiện bằng được lời của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”.
 Ngày 15 /9/1969, đơn vị được lệnh hành quân phối hợp với tiểu đoàn đặc công 200C của quân khu 6, đánh tập kích vào khu chợ cũ Di Linh – nơi trung đoàn E 53 của địch mới đưa quân về chốt giữ. Đêm hôm đó, cả hai khẩu đội của đơn vị, trong 5 giờ liền, đã bắn 100 quả đạn cối vào E bộ E 53 và kiềm chế địch chi viện, tạo điều kiện cho tiểu đoàn 200C làm chủ trận địa, diệt gọn ban chỉ huy trung đoàn E 53 Nguỵ làm chết và bị thương gần 200 tên, trong đó có hai sỹ quan cấp tá.( Trung tá Trà bị thương gãy cột sống).
Trong năm 1970, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng có một chiến công vang dội. Đó là trận phối hợp tác chiến giữa 03 đơn vị: Đội nữ pháo binh 8/3, đại đội đặc công 216 của tỉnh, đại đội bộ binh 742 của Di Linh, tập kích đánh phủ đầu đại đội Fulrô mới chuyển từ Ban Mê thuột về đóng quân tại ấp 12 Di Linh. Bị tập kích bất ngờ khi chưa kịp đào công sự, đại đội Fulrô bị tiêu diệt và xoá luôn phiên hiệu. Số sống sót tìm đường tháo chạy ra quốc lộ 20 lại rơi vào ổ phục kích của tiểu đội bộ binh thuộc đơn vị 8/3. 12 tên bị bắn chết tại chỗ, ta thu được một số súng đạn trong đó có một khẩu đại liên, một khẩu M79, hiện được trưng bày tại nhà bảo tàng CM của tỉnh.
 Sau năm 1971 đến năm 1973, đơn vị vẫn thường xuyên pháo kích vào toà hành chính, những mục tiêu quân sự của địch ở B’lao, Đạ nghịch, Đại nga, Đạ oai …, kịp thời tổ chức đánh chặn, không cho địch nống ra lấn đất, cắm cờ, đổ dân ở Quảng Lâm, Bình Long sau khi hiệp định Pa ri được kí kết. Đêm 28/1/1973, tại An Lạc, đơn vị 744 của Di Linh bị sư đoàn Cọp đen bao vây trong điều kiện lương thực, đạn dược đã gần cạn kiệt. Được lệnh của Ban chỉ huy quân sự tỉnh, đơn vị đã nã hơn 100 quả đạn cối vào đội hình địch, buộc chúng phải nới vòng vây tạo điều kiện cho đơn vị bạn thoát hiểm.
Song song với hoạt động quân sự, đơn vị còn tham gia vận động quần chúng không đi bầu cử hội đồng, tẩy chay thuế má, chống bắt lính …, xây dựng cơ sở mật ở Tân Phát, Tân Thanh, Minh Rồng, Lộc An …
 Trong 6 năm chiến đấu, xây dựng và công tác, đơn vị liên tục hành quân chiến đấu trên khắp mặt trận, vác nặng (bình quân mỗi chiến sỹ phải mang trên vai hơn 30 kg), dốc cao, đèo sâu nhưng đơn vị vẫn luôn   chấp hành nghiêm kỉ luật và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đơn vị có 05 đ/c hy sinh, 10 đ/c bị thương , đặc biệt không có đ/c nào đảo ngũ hoặc đầu hàng địch. Nhiều chiến sỹ của đơn vị ( một số là con em đồng bào dân tộc của huyện Bảo Lâm) đã trở thành những tấm gương về tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng khó khăn và tấm lòng kiên trung với cách mạng. Điển hình là những đ/c : KaHường, Ka Kéo bị thất lạc đơn vị suốt 25 ngày đêm chỉ ăn lá rừng, uống nước suối cầm hơi, lê lết tìm đường về đơn vị. Khi đơn vị tìm thấy, hai đ/c đã trong tình trạng suy kiệt, da bọc xương, áo quần tơi tả nhưng vẫn cố mang theo hai khẩu cạcbin. Hiện đ/c Ka Hường hai mắt đã mù loà, sống với chồng con trong một căn nhà sàn truyền thống của người Châu mạ tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm.
 Đồng chí Dư thị Kim Hoa – pháo thủ số 1 của đơn vị, trong trận càn của địch tại Tân Rai, không may đ/c bị thương và sa vào tay địch. Tại bệnh viện, khi nghe người anh của đ/c (khi đó là nhân viên Nguỵ quyền), đang phân bua với mấy tên an ninh: “Trên đường em tôi tìm về đầu thú thì bị các ông …”. Không để người anh nói hết câu, đ/c Hoa đã hét lên: “Không! Tao đi đánh Mỹ-Nguỵ, không có chuyện đầu hàng”.Vì thái độ kiên quyết bất hợp tác với địch, đ/c bị chúng lệnh cho bác sỹ cưa chân hai lần. Khi được thả tự do, mặc dù mất một chân, đ/c vẫn viết thư xin được vào cứ tiếp tục công tác. Đ/c được công nhận là thương binh và hiện đang sống ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm.
Đ/c Lê thị Pha- chính trị viên của đội, đã anh dũng hy sinh vào ngày 06 tháng 11 năm 1972 trong khi đột nhập vùng địch kiểm soát, giao nhiệm vụ của trên cho cơ sở trong ấp Đạ Lào. Mặc dù địch đã áp dụng mọi biện pháp gắt gao để ngăn chặn lực lượng của ta tiếp xúc với dân như: tăng cường các đợt càn quyét, gài mìn dày đặc xung quanh ấp, nhưng do tính chất cấp bách của nhiệm vụ đ/c đã kiên quyết cắt rừng tránh địch, tự mình rà, gỡ mìn để tìm mọi cách liên lạc với cơ sở. Không may, vướng mìn đ/c bị thương. Địch ập tới, bắn xối xả hàng loạt AR15 khi đ/c còn đang quằn quại trên vũng máu. Sau đó đ/c bị chúng đốt trụi tóc, cột xác dùng xe Jef  kéo lê một đoạn dài trên quốc lộ 20 để răn đe dân chúng. 26 năm sau, nhờ có sự ăn năn của người trưởng ấp năm xưa, nơi chôn cất đ/c mới được phát hiện. Hài cốt đ/c được đồng đội đưa về mai táng ở nghĩa trang huyện Củ Chi – nơi đ/c sinh ra và sống qua thời thơ dại.
 Trong đơn vị còn rất nhiều những hy sinh thầm lặng như đ/c Đào ngọc Duệ - pháo thủ số 1 xuất sắc của đơn vị - có một người em trai (Đào ngọc Văn) bị chính quyền Nguỵ bắt đi quân dịch, đã chết ngay trong trận pháo kích vào toà hành chính đêm 15/5/1969. Đ/c Ka Véo bị thất lạc, sau 15 ngày nhịn đói đã hy sinh trên đường tìm về đơn vị …
 Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, một số cán bộ chiến sỹ của đơn vị đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoặc chuyển nghành. Một cán bộ chỉ huy chủ chốt của đơn vị - bà Lưu Thị thanh An là uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng khoá VIII, nguyên bí thư Thị uỷ Bảo Lộc, hiện là phó chủ tịch hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh Lâm Đồng. Số đ/c còn sống vẫn luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ cách mạng, chiến sỹ quân giải phóng, chiến sỹ đội nữ pháo binh 8/3 trong thời đánh Mỹ.
 Toàn đơn vị được Nhà nước tặng 01 huân chương chiến công giải phóng hạng 3, 66 huân chương các loại, 40 danh hiệu dũng sĩ và nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp khen tặng. Vinh dự lớn lao cho đơn vị là liệt sỹ Lê Thị Pha, chính trị viên, được nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 06/11/1979.
Trải qua 06 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, có thể nói tập thể cán bộ, chiến sỹ đội nữ pháo binh 8/3 đã mang đầy đủ phẩm chất cao đẹp của một thế hệ anh hùng. Một thế hệ sống có niềm tin, có lý tưởng, sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước. Bởi thế, vượt qua thời gian, trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của lực lượng vũ trang tỉnh Lâm đồng, đội nữ pháo binh 8/3 sẽ còn sống mãi. ./.   
                                                          (Ghi theo lời kể của Bà Lưu Thị Thanh An – Nguyên chỉ huy phó đội nữ pháo binh 8/3, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư thành uỷ Bảo Lộc).                                                                                                                                                            
                                                                              Lâm Đồng ngày 20 tháng 11 năm 2014 
                                                                                                                                                                                                                                                     L C T

2 nhận xét:

Like hoặc No

Cùng chung sức xây dựng Hội VHNT thêm thiết thực...

Cùng chung sức xây dựng Hội VHNT thêm thiết thực...
Ns Trần Hữu Đông cùng các VNS được biểu dương năm 2014

Thì thầm thôi...

"Nhân dân là biển, văn nghệ là thuyền, thuyền xô sóng dậy, sóng đẩy thuyền lên"

Hãy viết nó ra nơi mà bạn sẽ bắt gặp sự rung cảm chân thật, dù không phải nhà thơ, nhà văn...Hãy viết bằng tất cả trái tim mình...

Nghe thêm, vui thêm..

"Viết để nhớ, đọc để hiểu biết..."

| Copyright © 2013 Hoạt động VHNT