Ghi chép: Trần Đại- Bá Hảo
Buôn Rui Đăng nay thuộc xã Lộc Lâm, huyện Bảo
Lâm tỉnh Lâm Đồng, là một xã anh hùng trong kháng chiến có đến 90% là dân tộc Mạ
nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai. Hơn chục năm trước, tôi và Bá Hảo đi xe máy mang
theo máy ảnh lang bạt đến các vùng sâu vùng xa với mục đích tìm lại những hình
ảnh mang dấu ấn thời gian. Ngày ấy, đến được buôn này gần như là một cuộc đọ
sức giữa con người với rừng núi đại ngàn, lối rẽ vào buôn là con đường đất và
đá lởm chởm dài gần 30km len lõi dưới táng cây rừng rồi thả dọc theo các triền
đồi chỉ dành cho các loại xe công nông, xe reo chở gổ chạy ầm ập, rù rù bò qua
hố nước đầy bùn đất đặc sệt. Trên đường thường gặp các sơn nữ gùi củi, gùi rau
rừng lầm lũi bước thẳng hàng và đúng nhịp như chiến binh ra trận. Mỗi lần lạc
lối chúng tôi tìm đến hỏi đều nhận được tiếng trả lời “Ơ gít” (không biết) rồi họ
lạnh lùng bước đôi khi quay nhìn lại bằng đôi mắt tò mò.
Đi xe máy 3 tiếng đồng hồ cũng đến buôn, trước
mặt chúng tôi là những căn nhà dài lợp tranh, vách thưng tre lồ ô, thấp lè tè ẩn
hiện ở mép rừng. Nhà dài là nét đặc trưng của dân gốc Tây Nguyên, trong đó có
dân tộc Mạ. Người Mạ năm xưa thường sống từng buôn, mỗi buôn có từ 5 đến 10 nhà
sàn dài. Đứng đầu buôn là ông già làng, khởi đầu chỉ có một nhà dần dần con
cháu lấy vợ lấy chồng căn nhà được nới rộng ra ở hai đầu hồi. Vì vậy vào dãy nhà
dài, thấy bao nhiêu bếp lửa hồng là có bao nhiêu gia đình đang sống quần tụ với
nhau. Bây giờ nhà dài ở Tây Nguyên càng ngày càng mất đi theo chủ trương xây dựng
nông thôn mới về thổ cư và hộ khẩu cho từng gia đình. Lúc chúng tôi đến buôn
Rui Đăng đã có hàng chục hộ tách ra sở hữu nhà đất riêng nhưng vẫn là nhà tranh
nằm quanh khu đất trống, cuộc sống bà con vẫn kiếm ăn từ rừng.
Biết chúng
tôi đi tìm ảnh xưa nên được già làng giới thiệu đến nhà K’Đúk để gặp một người Mạ tiêu biểu đã sống gần cả trăm mùa
rẫy. Qua lời giới thiệu của già làng, ông K’Đúk gần 50 tuổi vui vẻ dẫn chúng
tôi vào gặp mẹ ông, bà Ka Ài. Lúc ấy bà đang nằm co ro quay mặt vô bếp, lơ thơ
vài ba ngọn lửa leo lét cháy như cuộc đời của con người chuẩn bị trở về với
đất. Trên người khói và tro bếp phủ lên lốm đốm nhập nhòe, bà nằm bất động như một
vật thể không ai còn nhớ. Hình như bà đang ngủ, vóc dáng nhỏ thó của bà như hiện
ra một hình hài mang hồn của núi. Cái lưng trần nhăn nheo tóp như quả đười ươi
khô đã phơi vài con nắng, và dưới lớp da màu tối ấy ẩn hiện những chiếc xương
sườn khẳng khiu buồn thảm. Trong khoảnh khắc ấy, Bá Hảo nhìn bà rồi quay mặt
vào vách tre bật khóc. Tôi biết anh xúc động khi nghĩ đến thân phận, đến kiếp người
trong cảnh đời hoang vắng. Anh K’Đúk nói một tràng thổ ngữ, cụ bà lẩy bẩy ngồi
dậy nhìn chúng tôi hốt hoảng. Có lẽ người mẹ sống giữa rừng này chưa bao giờ
nhìn thấy những người chụp ảnh xa lạ mang đồ nghề lĩnh kĩnh trên vai. Nhưng khi
chúng tôi ngồi xuống kèm theo ít quà tặng, đôi mắt người mẹ vùng cao trở nên
hiền lành, bà nói câu gì đó qua hơi thở với nét mặt vui hơn, anh K’Đúk cho
biết, bà bảo ngồi đó nói chuyện cho vui. Bà Ka Ài không biết tiếng phổ thông
nên mọi việc phải nhờ con trai phiên dịch. Qua K’Đúk chúng tôi được biết bà đã
sống gần cả trăm mùa rẫy quanh quẩn ở rừng núi đại ngàn này, chồng đã chết từ
lâu, bà có 4 đứa con, chúng nó đã lấy chồng lấy vợ đi làm ăn xa, nên sống với
đứa con trai nhưng nó cũng nghèo quá không đủ ăn khổ lắm…Bà lấy tay quệt nước
mắt rấm rức khóc. Không biết anh K’Đuk có dịch hết ý hay không nhưng chúng tôi
tin bà nói thật. Vì phần lớn những người sắp về với đất họ luôn sống thật với
mình, người già không thích mang những điều giã dối xuống mồ. Trong vài chục
phút nói chuyện với chúng tôi hiếm thấy bà cười, bà luôn ở tư thế ngồi xổm hai
tay chống về phía trước, thỉnh thoảng bà nằm xuống một cách mệt nhọc. Hình ảnh
của bà hiện lên như cây Kơ nia cổ thụ duy nhất còn lại giữa khu rừng, bà trở
thành của quý hiếm, là nhân chứng cho một bộ tộc đã từng sống du canh, du cư,
lấy thần rừng, thần núi, thần sông.. làm niềm tin, làm thần hộ mệnh cho mình. Trong
lịch sử các sắc tộc ở thế giới, từ ven bờ sông Amazon ở châu Mỹ đến sông Nile ở
Châu Phi, những người sinh ra và lớn lên từ rừng bao giờ cũng mang phong cách
của rừng, người ở vùng rừng nào thích nghi vùng đó tuy nhiên thủ lĩnh của bộ
tộc luôn luôn giống nhau là trên đầu gắn lông chim, lông chim càng nhiều là
chức sắc càng lớn. Bà Ka Ài sinh ra và lớn lên ở đầu nguồn sông Đạ Đờng (Sông
Đồng Nai) nơi vừa thung lũng, núi đá và rừng rậm nên dáng người của bà cũng hội
tụ hình bóng của rừng thiêng. Đôi tai trần dài ra còn in rỏ một thời đeo vật
thể bằng ngà voi từ chiến tích của chồng, đôi mắt sáng có hồn mang nét kỳ bí
hoang dã thích nghi với bóng đêm của rừng núi, làn da nâu khô cứng không cần y
phục cũng đủ sức chống chọi với thời tiết… Mọi hình ảnh mang bóng thời gian
trên người của bà đã minh chứng khả năng sinh tồn giữa rừng núi trong thời kỳ
hái lượm.. Bây giờ thật không dễ dàng tìm ra “ cây Kơ nia cổ thụ” như bà, nếu
có chỉ là hình ảnh đã một xếp vào thời cổ sử. Bà vẫn ngồi đó với đôi mắt nhìn
về xa xăm như tiếc nối, thực ra bà đang đói vì từ hôm qua đến giờ bà không chịu
ăn gì, K’Đuk nói nhỏ với chúng tôi. Bá Hảo chụp ảnh bà trong nước mắt, đó là
tấm ảnh đầu tiên và cũng là cuối cùng của anh về bà Ka Ài, mặc dù sau này anh đã
dẫn nhiều người đến chụp ảnh bà như người mẫu giữa rừng. Điều may mắn của Bá
Hảo là tấm hình chụp đầu tiên ấy được tạc vào bia mộ của bà như kỹ niệm đời
người cầm máy.
Lần cuối cùng vào năm 2005, đoàn nhiếp ảnh “đổ
bộ” đến buôn Ru Đăng vào đúng sinh nhật 100 tuổi của bà gồm các tay săn ảnh có
danh tiếng từ Đà Lạt, Đồng Nai, Đăklak, Nha Trang, Tp. HCM, Hà Nội…. Trong những
lần tác nghiệp tại đây đã có đến 30 tấm ảnh đoạt giải vàng, bạc, của liên đoàn
nhiếp ảnh thế giới, không ít các nhiếp ảnh địa phương trở thành hội viên hội nhiếp
ảnh Việt Nam và quốc tế từ người mẫu giữa rừng này. Trong nghề làm người mẫu,
nếu tính bằng thâm niên và số lượng tác phẩm ảnh mà nhà nhiếp ảnh tạo ra nhờ
người mẫu, có lẽ không một cô người mẫu nào ở Sài Gòn, Hà Nội bằng già Ka Ơnh-
Ka Ài ở vùng rừng già heo hút Lộc Lâm. Nhưng có lúc tôi cảm thấy buồn, vì nghệ
thuật gì lại vắt kiệt di sản đến thế! Năm ấy bà đã quá yếu, phải bò lê từng bước
ngồi gật gù trước một “rừng” máy một cách vô hồn. Nhìn các nhà nhiếp ảnh tác
nghiệp, tôi và Bá Hảo nước mắt lại chảy ra khi nghĩ phận người trước ống kính.
Tất nhiên mỗi lần đến thăm hỏi và chụp ảnh bà, anh em luôn trả thù lao hậu hĩnh
để bà có “đồng ra đồng vào” và tính đến chuyện hậu sự. Cũng có đôi lần vì tức
giận nên bà đã ném những tờ giấy bạc vào mặt những người chỉ biết dùng tiền ra
lệnh. Nhưng rồi suy cho cùng trong cõi người ta, đâu phải ai cũng có một thời
để nhớ. Việc ghi lại hình ảnh của bà là góp phần để lại cho hậu thế biết được thời
kỳ hái lượm cuối cùng của thế kỷ thứ 21.
Ngày 6 tháng 2 năm 2007 bà qua đời hưởng
thọ 102 tuổi, các anh em nhiếp ảnh của ít lòng nhiều đã quyên góp được 4,8
triệu để lập bia, xây mộ và vào tận Lộc Lâm tiển đưa bà đến nơi an nghỉ cuối
cùng. Đó cũng là tấm lòng, sự tri ân đối với người mình ái mộ và tình cảm nghĩa
tử là nghĩa tận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam .
* * *
Đường và
buôn Rui Đăng bây giờ đã tráng nhựa theo tiêu chí giao thông nông thôn. Hàng
trăm căn nhà tranh tre của bà con người Mạ một thời anh hùng trong kháng chiến được
chính phủ tặng nhà tình nghĩa. Tại buôn hôm nay có trường học, bệnh xá và điện
lưới quốc gia. Tôi và Bá Hảo tìm đến nhà K’Đuk nhưng không còn như xưa nữa, đó
là căn nhà xây cấp 4. Hai cháu nội của anh là Ka Phượng và Ka Gòn dẫn chúng tôi
vào thăm nơi an nghỉ cụ Ka Ài và Ka Ơnh, hai ngôi mộ được xây cẩn thận nằm lưng
chừng trên đồi thông gió lộng suốt ngày. Điều khác thường là hai ngôi mộ ấy có tấm
bia ghi hàng chữ “ Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam lập mộ” và tấm ảnh chân dung
của bà do Bá Hảo chụp năm xưa. Có lẻ trong nghĩa địa đầy gió và thông reo này
chỉ có hai chị em bà được các nhà nhiếp ảnh ưu ái lập mộ như thế.
Trên
đường về, chúng tôi được biết ông Trần Hữu Đông phó chủ tịch hội văn học nghệ
thuật Lâm Đồng và bà Ka Phờm chủ tịch xã Lộc Lâm đã thống nhất quan điểm là Hội
sẽ tặng cho xã những tấm ảnh đoạt giải quốc tế từ 2 người mẹ Mạ “Vì không có lý
gì nhiều nước trên thế giới hết sức trân trọng những tấm ảnh nghệ thuật mang
hình của 2 bà. Mà ngay tại quê hương mình lại không tôn vinh, đó cũng là di sản
vật thể giúp cho thế hệ sau biết được tiền nhân của chúng ta đã từng sống và
tồn tại giữa rừng núi ngày xưa như thế nào!” Ông Đông cho biết như thế.
Không có nhận xét nào:
Like hoặc No