THẰNG HỢI
(Truyện ngắn)
Lý Thanh Hải
Từ ngày thằng Hợi nghỉ học đến nay đã gần một tháng đêm nào lão Khuyết cũng không ngủ được trằn trọc mãi trên giường cho đến khi trời gần sáng mới chợp mát được một tí. Lão không ngủ được chẳng phải vì thời tiết sắp sửa sang đông khiến cho lão khó ở, tại lão chưa nghĩ ra được cái nghề nào cho phù hợp với thằng con trai yêu quí của lão. Lão đã liệt kê trong đầu hàng trăm thứ nghề mà nghề nào người ta cũng có thể gọi là phó này phó nọ vả lại cái từ ‘phó’lão đã ghét cay, ghét đắng, vậy mà nó cứ bám chặt vào cuộc đời của lão “dai như đỉa đói” lão cố gỡ nó ra nhưng chẳng tài nào gỡ nổi. Lão thề rằng lão sẽ gạt cái từ khốn nạn này ra khỏi cuộc đời thằng Hợi. Cuối cùng rồi lão cũng tìm được một nghề cho nó mà nghề này lão thấy là ưng ý nhất.
Trên cành xoan trước ngõ những chiếc lá vàng từng đợt rơi lã tã xuống mặt đường, tiếng hát mùa thu trổi lên êm dịu khiến lòng người không khỏi ngẩn ngơ. Chiều nay không gian vô cùng ảm đạm sắc vàng bàng bạc trải mênh mông.Thằng Hợi đang đứng ngoài đầu hè ngắm đàn chim sẻ trên ngọn cau lao xuống, chúng nhảy nhót tung tăng giành nhau những hạt thóc còn sót lại trên sân.Thằng Hợi hình như liên tưởng đến một điều gì đó liên quan đến cuộc đời của nó….có lẽ những chú chim háu ăn cắn mổ vào nhau kêu chí chóe đã giúp cho nó hiểu thêm được một điều “không những loài vật mà loài người cũng vậy tranh nhau vì miếng ăn nên chẳng nghĩ đền tình đồng loại”.Bổng nó giật mình đánh thót khi nge tiếng lão Khuyết oan oan từ trong nhà vọng ra:
- Thằng Hợi đâu? Vào đây cho bảo. Nó sợ phát run cả người, sợ về tội học dốt mà mỗi khi bố nó “ hâm ” lại là nó bị một trận đòn chúi dụi đến mập cả mình, đau đến mấy ngày chưa khỏi. Hắn lủi thủi đi vào nhà trông như gà xệ cánh hắn ghé mông xuống chiếc chõng tre nơi bà Khuyết đang ngồi têm trầu mặt mày nó tái mét “Cắt chẳng còn tí máu”. Bà Khuyết đặt miếng trầu mới vừa quệt vôi xuống cơi ôn tồn khuyên can chồng.
- Bố nó muốn day con điều gì thì nên từ từ mà bảo ban, đừng có nặng tay làm gì với nó mà thêm tội!
Lão khuyết điềm tĩnh nhìn bà Khuyết rồi nói :
- Tôi có đánh đập mắn chửi nó đâu mà mẹ nó phải đón trước rào sau như thế. Hôm nay tôi gọi nó vào là bảo nó lo chuẩn bị đi học nghề.Không để lão nói thêm câu nào bà vội hỏi ngay:
- Ông bảo là cho nó học nghề, mà nghề gì vậy hở bố nó ?
Lão Khuyết đưa tay vuốt mấy sợi râu lưa thưa dưới cằm có vẻ đắc ý lắm. Lão vừa trả lời và cũng vừa giải thích :
- Nếu gọi là nghề thì chắc hẳn là chưa đúng phải gọi là thầy mới chính xác trăm phần trăm. Bà Khuyết sốt ruột:
- Bố nó bảo là thầy nhưng thầy gì cơ chứ?
Lão mỉm cười trả lời gọn lỏn:
- Thầy địa ấy mà.
Bà Khuyết hỏi gạn:
- Thầy địa chuyên xem phong thổ, nhà cửa, ma chay, cưới hỏi có đúng thế không? Lão thấy còn thiếu nên bổ sung thêm:
- Chẳng những thế mà kể cả xem tướng số, cúng sao, giải hạn, đoán trước thời vận tương lai quí thầy đều tinh thông tất tần tật.
Bà Khuyết thở phào nhẹ nhỏm
- Nếu được vậy thì tôi rất mừng, có điều tôi lo là thằng Hợi nhà ta nó tối dạ quá! Từ nhỏ đến giờ chỉ được cái khôn vặt, lẻo mép còn việc học hành thì chẳng ra làm sao. Biết nó có học nổi cái nghề cao siêu huyền bí này không? Hay là “thầy dở thợ vụng” thì toi đời. Lão Khuyết trấn an vợ:
- Mẹ nó lo xa cũng phải, nhưng tôi thấy thầy Ngưu có học hành gì đâu thế mà trên thông thiên văn dưới rành địa lí cả huyện ai cũng biết tiếng tăm của thầy. Ở đâu thì tôi không rõ chứ ở vùng nông thôn này ai cũng tôn sùng thầy như vị thánh sống.
Bà Khuyết nghĩ thầm trong bụng “không biết có đúng vậy không mà ông ấy bảo thế nhỉ?”. Thật ra bà vẫn còn bán tín bán nghi.
Thấy vợ chưa nói gì lão day sang thằng Hợi :
- Này nhé! Bố thấy mày chẳng có duyên nợ gì với chữ nghĩa nên bố cho mày đến chỗ thầy Ngưu ngoài ngã tư chợ huyện mà học nghề, để mai sau có công việc mà làm ăn nuôi vợ nuôi con, bố mẹ có lột vỏ sống đời được đâu mà lo cho mày. Thầy Ngưu bảo ngày kia là ngày tốt phải sang đấy trước chín giờ sáng cho kịp làm lễ bái sư. Còn nhiệm vụ mẹ nó phải lo cho tôi mâm cỗ thật tươm và phải nhớ mua cho được con gà trống thiến thật béo đấy nhé!
Lão giáo huấn thằng Hợi mấy câu nữa :
- Mày phải cố gắng học hành cho đến nơi đến chốn, đừng có như cái kiểu học chữ thì uổng công tao lo lắng cho mày. Các cụ ngày xưa đã bảo “ Nhất nghệ tinh, nhất hân vinh” chẳng ngoa tý nào, có nghề giỏi chẳng lo đói. Bà Khuyết trố mắt nhìn lão với cái nhìn rất ngạc nhiên, bà không hiểu lão Khuyết học đâu ra mà nói “nho” nghe vanh vách.Tiểu sử của lão bà đã thuộc lòng như nắm trong lòng bàn tay ( lúc còn bé trông nhà giữ em cho mẹ ra đồng gặt hái, năm mười hai tuổi theo bố hết miền xuôi lên đến miền ngược. Ngoài cái nghề đóng cối xay một chữ cắn làm đôi không biết, sau này mới theo học lớp bình dân. Vừa biết viết, biết đọc thì nghĩ. Đến năm thằng Hợi lên bảy lão mới được làm cán bộ. Nói cán bộ cho oách chứ thật ra là làm tổ phó tổ điện. Nhưng với bà thì bà phục lão sát đất, không ai có bộ nhớ và lòng nhiệt tình bằng lão, lão rất tinh khôn biết cách làm cho người khác ưa thích lão, vì vậy nên lão mới giữ chân cán bộ đến bảy tám năm liền ). Nghĩ đến đấy bà Khuyết gián tiếp khen lão một câu rất câu khéo:
- Giá như con nó giống ông một nửa thôi, thì tôi đã yên lòng, thằng này nó tệ quá !
Lão Khuyết nghe vợ nói câu này lão mát lòng mát dạ như vừa uống xong ly nước chanh đá, lão sướng quá cười hề hề rồi đứng dậy lại giường đánh một giấc ngon lành cho đến khi trời nhá nhem tối mới thức dậy ngồi vào bàn ăn cùng vợ con. Ly rượu “Quốc lủi” từ từ chảy xuống cổ họng làm cho tâm hồn lão lâng lâng sảng khoái vô cùng.
Thằng Hợi theo thầy học đạo gần được hai năm thì lão Khuyết qua đời bởi cơn đau tim đột quỵ. Sự ra đi của lão khiến cho mọi người suy nghĩ “cuộc đời con người nó sẽ đi đâu về đâu? Chẳng khác gì bèo dạt mây trôi và sự tồn tại cho đến bao giờ.......?”.
Cuộc sống thì giống như ngọn nến đang thắp ngoài trời chỉ một luồng gió nhẹ thổi qua cũng có thể phụt tắt bất cứ lúc nào, vậy mà loài người ai ai cũng mong cho cuộc đời mình vươn cao bay xa để được hơn người. Muốn đạt được mục đích ấy, họ có thể làm bất cứ việc gì kể cả hủy diệt mạng sống con người. Nhưng cũng có những người họ sống suốt đời vắt hết trí tuệ, sức lực mở rộng vòng tay nhân ái cống hiến cho đời. Có kẻ chuyên sống trên lưng người khác mà chúng vẫn ung dung tự tại. Cái chết của một người có thể đánh thức hàng trăm hàng triệu trái tim của những người vẫn còn đang sống.
Dẫu sao lão Khuyết qua đời cũng là một mất mát không nhỏ của cái làng này.
Phài chăng cuộc đời và sự sống chỉ là cái bóng?!!!...
Sau khi tuần bốn mươi chín ngày cho bố, thằng Hợi trở lại xin sư phụ cho về nhà trông nom vài sào ruộng hợp tác và phụng dưỡng mẹ già. Bởi gia đình chẳng còn ai? Cái Thủy, chị cả của hắn đã đi lấy chồng về tận Thái Nguyên cách đây hơn ba năm, giờ chỉ còn lại mỗi bà Khuyết và hắn. Bà Khuyết thì nay ốm mai đau, sức khỏe bà mỗi ngày yếu dần. Nào ngờ được vài năm sau khi lão Khuyết mất, bà cũng bỏ nó đi theo chồng về cõi vĩnh hằng.
Từ đấy hắn sống một mình trong căn nhà trống vắng…Đêm về căn nhà càng thêm lạnh lẽo, cái lạnh thấm sâu vào cõi tâm hồn. Giờ đây hắn cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng, bơ vơ trên đường đời, chẳng khác gì con thuyền trôi dạt giữa trùng dương. Chuỗi ngày buồn tủi nó cứ lê thê mãi cho đến một hôm: Con chó vằn đang nằm ngoài sân bỗng chồm lên sủa máy tiếng. Thằng Hợi nhìn ra ngõ thấy vợ chồng, con cái của Thủy từ ngoài đi vào. Kẻ mang người xách trông ì ạch lắm. Đang lúc buồn héo cả ruột, thấy anh chị hắn về chơi, hắn mừng chẳng khác gì kẻ chết đuối vớ được phao. Liền phóng ra mang bớt hành lí và bồng trên tay đứa cháu nhỏ nhất đi vào nhà. Ăn cơm tối xong, thằng Hợi mới biết là gia đình anh chị nó về đây ở luôn. Trên ấy, vợ chồng Thủy làm ăn chẳng ra gì bị vỡ nợ nên đã bán nhà về đây tá túc với thằng Hợi định sau này hẳn tính.
Thời gian vận hành theo chu kì của nó, con người thì mỗi năm tăng thêm một tuổi. Thằng Hợi năm nay vừa tròn hai mươi. Nhờ trời, sức khỏe nó rất tốt, thân hình cao to, cơ bắp chắc nịch. Mới ngày nào nó vẫn còn là một đứa trẻ gầy còm, nhút nhát, nay đã trở thành một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh như vâm, tâm sinh lí của nó cũng thay đổi rất nhiều. Ngày xưa nhanh nhẹn luyến thắng bao nhiêu, thì bây giờ ít cười ít nói bấy nhiêu. Trên khuôn mặt của hắn lúc nào cũng lầm lì lầm lịt trông như kẻ chán đời. Hết ngày lại ngày, sáng hắn vác cuốc ra đồng, chiều về ngồi lại bên mâm cơm, chỉ có mỗi rau muống luộc hoặc đĩa cà gém chấm tương, thỉnh thoảng mới được bữa cá đồng kho mặn, cuộc sống quanh năm vất vả như thế làm cho hắn nản lòng. Đôi lúc trong đầu hắn lại nảy sinh ra ý nghĩ “ làm thế nào mới thoát khỏi cảnh nghèo đói này?”. Câu hỏi ấy lúc nào cũng lãng vãng trong trí thằng Hợi, hắn âm thầm dự tính một điều gì đó mà chỉ có hắn mới biết rõ.
Rồi đến một ngày kia!.....Sau cái hôm lễ mãng tang mẹ nó, khách khứa vừa ra về xong, còn lại mấy đứa nhóc đang chơi ngoài sân. Hắn và vợ chồng cái Thủy thì ngồi quây quần uống trà nơi chiếc bàn gỗ kê ở chính giữa nhà. Hắn chờ cái thời điểm thuận lợi để thưa chuyện với chị gái và ông anh rể. Hắn sửa lại tư thế ngồi ngay ngắn rồi chậm rãi lên tiếng:
- Thưa hai bác, em có chuyện muốn nói với hai bác, mong rằng sau khi em trình bày xin hai bác thông cảm chấp nhận cho. Cái Thủy ngạc nhiên không hiểu thằng Hợi định nói gì mà tỏ ra quan trọng đến thế? Thủy liền giục:
- Có chuyện gì cậu cứ nói toạc ra chứ làm sao mà vòng vo tam quốc như thế?
- Vâng em nói đây: Vừa rồi có mấy đứa bạn cũ chúng nó rủ em vào Nam lập nghiệp, nghe đâu trong đấy giờ làm ăn khá lắm em định vào một chuyến cho biết, may ra có cơ hội đổi đời cũng nên. Cái Thủy bức xúc quá làm cho hắn một mẻ:
- Cậu nói vậy mà cũng nói được à? Bố mẹ qua đời chưa được bao lâu, cậu định bỏ mồ mả tổ tiên và trốn tránh trách nhiệm trưởng nam của cậu hay sao mà cậu có ý định táo bạo ấy? Hay nghe nói đến tiền là mờ cả mắt rồi?. Tôi bảo cho mà biết nhé! Đứng núi này trông núi nọ có khi mất cả chì lẫn chài cho mà xem. Hắn ấp úng trả lời chị:
- Em thấy ai vào đấy lập nghiệp giờ cũng có cơ ngơi đàng hoàng, chứ có ai sống cực khổ như những người ở cái làng này đâu bác?.
- Ở đâu mà chẳng lo làm ăn? Cần cù kiên nhẫn “có chí thì nên” các cụ đã bảo “siêng nhặt chặt giỏ” kia mà! Biết cái đủ của mình thì ở đâu cũng thấy thoải mái, không biết thì đầu óc lúc nào cũng quay như chong chóng. Làm tôi mọi cho đồng tiền đến khi nhắm mắt mang theo được những gì cơ chứ? Cậu không hiểu cái đạo lý đơn giản ấy sao? Chồng cái Thủy biết vợ đang giận em nên ôn tồn khuyên bảo:
- Mình chỉ góp ý với cậu hai để cậu còn suy nghĩ lại quyết định của cậu là đúng hay sai. Nay cậu đã lớn rồi cứ để cậu tự tính toán ,việc nào đúng thì cậu ấy làm. Riêng tôi không muốn cậu xa mấy cháu.
Thủy quệt nước mắt nói:
- Tôi bực mà nói thế chứ mặc xác cậu ấy muốn làm gì thì làm. Nhiều người có cả bằng này cấp nọ mà chưa ăn ai, không biết đường cũng bị thất nghiệp huống chi là nó.
Thấy chị dịu giọng hắn làm tới luôn:
- Em biết hai bác lúc nào cũng quan tâm đến em, nhưng em hứa sẽ không để hai bác thất vọng. Mồ mả và hương khói ông bà, trăm sự em nhờ vào hai bác.
Thủy tủi bụng càng khóc to hơn. Mấy ngày sau, người trong làng không ai còn gặp hắn nữa, hỏi thăm cái Thủy họ mới biết thằng Hợi đã vào Nam . Dần dần chẳng ai còn nhắc đến tên hắn, không phải người ta vô tình với người hàng xóm nhưng cuộc sống vất vả quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” còn đâu thời gian nghĩ đến những đứa bỏ làng bỏ quê mà đi như thằng Hợi? Lúc nào họ cũng nghĩ “Quê hương là chùm khế ngọt”.
Ngôi làng nghèo khó năm xưa đã trải qua bao nỗi thăng trầm. Hơn mười năm đối mặt với thời gian, giờ đã vươn mình đứng dậy bước theo nhịp phát triển từng ngày. Sau khi đất nước đổi mới nền kinh tế thị trường. Cánh đồng lúa xanh rờn chạy tít đến tận chân đồi làm nổi bật những mái ngói đỏ tươi của một làng quê êm ả thanh bình.
Miền Bắc vào những ngày cuối năm tiết trời se lạnh từng hạt mưa phùn lất phất rơi trên những búp lá non mới nhú, trên cành những nụ đào căng tròn rung rinh trong gió chúng nôn nã bung cánh hoa dịu dàng để dâng cho đời sắc hương tinh khiết…
Vạn vật đang háo hức chờ đón một mùa xuân…..
Vào chiều hai mươi tám tết một chiếc xe màu xanh bóng lộn chậm rãi từ ngoài cổng làng bò vào đậu dưới gốc cây đa cổ thụ cạnh sân đình.
Người đàn ông trạc ngoài 30 tuổi, com lê cà vạt hẳn hoi đưa tay mở cửa dìu người thiếu phụ bước xuống khỏi xe. Trang phục hai người đã bộc lộ sự giàu có của họ, chếc váy ngắn đắt tiền vừa phủ khỏi mông để lộ cặp đùi trắng nõn, cặp vú nửa kín nửa hở làm cho bộ ngực cô ta càng thêm bốc lửa.
Bọn trẻ chơi ở sân đình cũng dừng lại kéo nhau chạy đến bu quanh chiếc xe, đứa sở mui, đứa soi mặt vào kính chiếu hậu, còn hai người kia thì dắt nhau đi dạo xung quanh khu đình, có lẽ đó là một đôi vợ chồng từ xa mới đến.
Thằng Tuấn lớn nhất trong bọn trẻ hết năm nay nó sắp lên cấp hai, hè nào cũng thường ra Hà Nội chơi với anh trai của nó đang công tác ngoài ấy nên được tiếp xúc nhiều hơn. Nó cũng đến nhưng không sờ mó vào xe chỉ khoanh tay đứng nhìn nhắc nhở ra vẻ giọng người lớn.
- Chúng mày đừng làm nó tróc sơn thì đền không nổi đâu nhé!
Con My hỏi thằng Tuấn:
- Con này hiệu gì mà đẹp thế anh Tuấn nhỉ?
- Con “Mẹc” nòi đấy, không dưới sáu bảy trăm triệu đâu, đừng có tưởng bở.
Thằng Kiệt thè lười mở to đôi mắt hơi lé kim của nó thốt lên:
- Đắt tiền thế ai mua cho nổi?
- Dân thường như người làng mình thì chẳng dám mơ.
Thằng Tuấn nói tiếp:
- Nhưng có người họ mua đến chục chiếc vẫn còn thừa tiền.
Đúng lúc các bà đi chợ về cũng dừng lại nhìn hai người lạ với cặp mắt tò mò. Trong đám họ có bác cả Chừng che miệng nói nhỏ mấy câu, cả đám không ai bảo ai bỏ đi một mạch. Có người ngoái cổ lại nhìn và lẩm bẩm:
- Thằng Hợi con lão Khuyết mà làm ra vẻ như là ông cán bộ trung ương về thăm làng chẳng bằng. Đám thanh niên kéo nhau đi đá bóng vừa lúc ngang qua cũng chậm lại nhìn vợ chồng thằng Hợi đang dắt tay vợ tiến về phía chiếc xe đang đậu, thằng Dương đang đi giữa đám bạn bỗng dừng lại nhìn chằm chằm vào đôi chân múp mát và vùng ngực trắng muốt tựa như quả trứng lột đang gần ở trước mặt Bỗng nhiên nó cúi xuống lấy hai tay kéo vạt áo che bụng dưới đứng yên tại chỗ.
Thằng Tân bạn nó xoay lưng lại hỏi:
- Mày làm sao thế Dương?
Thằng Dương nói giọng ấp úng.
- Hình như tao bị trúng gió – đau bụng quá!
- Chúng mày cứ đi trước đi tao phải đi ngoài một lúc rồi đến sau.
Nói xong nó phóng thẳng một mạch vào đám bạch đàn cách đó không xa. Về sau câu chuyện thằng Dương bị trúng gió, mỗi lần nhắc đến là đám bạn nó ngã lăn ra cười đến chảy cả nước mắt.
Thằng Hợi vào Nam mười mấy năm đến giờ mới đưa vợ về ăn tết nên người làng khó nhận ra nó cũng là chuyện bình thường, việc thằng Hợi vào trong ấy như thế nào thì ở làng họ biết từ A đến Z, việc nó lấy vợ con của một ông quan có quyền, có chức cấp huyện, cấp tỉnh gì đấy và cô vợ của hắn là một đứa con gái hư hỏng từ hồi còn học cấp hai. Gia đình lắm tiền nhiều của nên ăn chơi bạt mạng, bị hai lần nạo thai rồi bỏ học cho đến ngày lấy được thằng Hợi làm chồng.
Thằng Hợi được ông bố vợ nhét vào làm trưởng phòng địa chính của một huyện béo bở hạng nhất trên vùng đất bazan thuộc cao nguyên Lâm Đồng. Số nó may mắn như “ Chuột sa chỉnh nếp”, mấy năm sau nó nổi lên giàu có, rất ít người theo kịp. Nghe đâu nó được ông bố vợ quan tâm nhờ vào cái lí lịch khá trong sạch từ ngày đầu xin vào làm công cho gia đình ông ấy. Chuyện vợ chồng thằng Hợi về làng chẳng mấy ai quan tâm và ngạc nhiên cho lắm.
Đã là ngày hai mươi tám tết, người làng không ai thấy vợ chồng thằng Hợi về như mọi năm. Đến chiều từ đầu làng cuối xóm, đâu đâu cũng nghe nói đến chuyện thằng Hợi, mấy người đang ngồi xơi nước ở nhà cụ giáo Hà rất đông, họ đến đây rất sớm để mừng tuổi cho cụ, nam có, nữ có, kẻ hộp bánh, người giỏ trái cây. Câu chuyện vợ chồng thằng Hợi không về, cũng là đề tài đang được bà con bàn tán xôn xao, bà cả Chừng đưa tay nhét vội miếng bã thuốc lên hóc môi rồi nói với mọi người:
- Tôi nghe thằng Vĩnh nhà tôi nó bảo rằng “ Sau khi bố vợ thằng Hợi cáo lão từ quan được nửa năm, thì nó đã bị công an đến nhà còng tay về tội hối lộ. Số tiền lên đến vài chục tỉ đồng chứ có ít đâu.
Có người thắc mắc:
- Nó mới học đến hết lớp chín mà sao được làm đến chức trưởng phòng nhỉ? E là bằng giả cũng nên? Người ngồi bên cạnh lên tiếng.
- Nghe nói nó còn có cả bằng đại học kinh tế nữa kia.
Bà cả Chừng tiếp lời:
- Thằng này nó còn ăn bẩn đến nỗi có mấy mét đất cấp cho khu phố 3A, 3B gì đó của thằng Vĩnh để xây dựng hội trường. Thế mà nó cũng xơi mất vài mét. Biết nó bán cho người ta nhưng bà con làm đơn khiếu nại mấy năm nay mà việc đâu vẫn còn đấy. Đúng là cái thằng chẳng ra gì uống nước không chừa cặn.
Từ nãy giờ, cụ giáo Hà ngồi yên trên chiếc sập gỗ xoan đào đã ngả màu nâu sậm, vì không chống chọi nổi với thời gian. Cụ đang theo dõi ý kiến của mọi người, rồi cụ thấy mình cũng nên tham gia:
- Bà con bất bình về hành động của thằng Hợi là đúng. Nhưng theo tôi nghĩ thì trách những người tạo cơ hội cho nó phạm tội thì hơn, vả lại loại người như thằng Hợi và bố vợ của nó chế độ nào chẳng có, ít hoặc nhiều mà thôi. Không sớm thì muộn chúng nó cũng bị lôi ra đứng trước vành móng ngựa vì “ Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt ”.
Cụ giáo Hà nói đến đây, cụ cả Thông cũng vừa vào đến trước cửa. Cụ vừa cười, vừa lên tiếng:
- Ngày cuối năm nhà cụ Giáo có gì mà đông vui đến thế?
Cụ giáo Hà niềm nở chào cụ cả Thông và hạ thấp giọng:
- Có gì đâu cụ, các cô các bác đang bàn tán về chuyện thằng Hợi con trai của lão Khuyết ấy mà.
Ngoài kia trên nền trời xanh những cách én chao nghiêng lượn từng vòng… từng vòng… vạt nắng cuối ngày lung linh vắt ngang qua thềm, làn gió mới, thoảng qua mang theo hương vị của mùa xuân và bao niền hi vọng. Khiến cho lòng người không khỏi cảm xúc bâng khuâng…
LTH
Địa chỉ liên hệ:
Lý Thanh Hải
Hội viên hội VHNT tỉnh Lâm Đồng
188/5 Hà Giang – Phường Lộc Sơn – TP Bảo Lộc – Lâm Đồng.
ĐT: 01682200181
Truyện đã in ở Lang Bian và 30 năm văn xuôi Lâm Đồng. Chuyển in tập san
Không có nhận xét nào:
Like hoặc No