TRẦN ĐẠI
VỀ THĂM XỨ CHÈ B’LAO
Ký sự
Mỗi lần giới thiệu cho khách nước ngoài về văn hóa trà của người Việt ở miệt Nam Tây Nguyên, họ thường vui vẻ hỏi tôi B’Lao có nghĩa là gì? Vì theo họ, danh từ B’Lao khi phát âm không mang âm điệu tiếng Việt. Có nhiều cách giải thích, nhưng dù mang theo nghĩa nào, đó cũng là một phần của dải đất hình chữ S này, cũng là một phần làm nên hồn cốt nước non này.
Theo già làng người Mạ, B’Lao có nghĩa là đám mây bay thấp, còn đối với già làng K’Ho, B’Lao có nghĩa là tốt đẹp. Cho dù hai cụm từ trên có vẻ không đồng nghĩa với nhau, nhưng tên gọi của vùng đất này trong tiềm thức của các già làng đã một thời được thêu dệt từ những khát vọng của bộ tộc mình. Già làng Mạ nói rằng: “Ngày xưa lâu lắm rồi,thần linh báo mộng cho bộ tộc tao bảo phải dẫn nhau đi qua ba núi ba sông mới đến được nơi có đám mây bay thấp, nơi đó có ba con nước giao nhau, có con cọp trắng dưới chân núi Đại Bình để sau này cùng chung sống với hai người anh em khác là người K’Ho và người Kinh”. Nhưng hiện nay các câu chuyện kể bắt đầu từ ngày xưa trong những dãy nhà dài buôn cổ, bên bếp lửa hồng và những vật thể như chum chóe… của bản làng dần dần về với Viện Bảo tàng để hoài niệm một thời xa vắng.
B’Lao, là tên một vùng đất nằm ở phía Nam Tây Nguyên thuộc tỉnh Lâm Đồng, một địa danh có nhiều huyền thoại. Tính từ năm 1920 tên gọi này bao gồm từ Bảo Lâm, Bảo Lộc kéo dài đến tận một phần của huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai, rộng đến 281.186 ha. Nay B’Lao chỉ còn là một phường ở thành phố Bảo Lộc, cũng như tỉnh Đồng Nai Thượng xưa kia, cả một vùng rộng lớn 5.503 km2,nay cũng chỉ là tên một thị trấn tĩnh lặng ở huyện Cát Tiên. Chuyện tách nhập B’Lao từ thời toàn quyền Paul Doumer năm 1899, đến thời Hoàng Triều Cương Thổ, rồi chế độ trước và đến nay, B’Lao vẫn giữ được những nét trầm mặc lặng lẽ của cô gái Mạ dậy thì đầy sức sống đã qua thời chinh chiến bi hùng.
B’Lao chính thức mang tên Bảo Lộc vào ngày 19 tháng 8 năm 1958 do ông Ngô Đình Nhu chuyển ngữ cho dễ phát âm,nhân chuyến thăm trường Quốc Gia Nông Lâm Mục B’Lao thời bác sĩ Vũ Ngọc Tân làm Hiệu trưởng. Sau ngày đất nước thống nhất, Bảo Lộc lần lượt tách để thành lập các huyện mới, đến nay thành phố này chỉ còn 232,37km2 với số dân trên 150 ngàn người. Như vậy, dù nhập hay tách B’Lao vẫn đã từng là một vương quốc trà, một địa danh trải dài đến tận xứ Đồng Nai Hạ, vẫn còn vương vấn trong tâm thức những người đã từng sống từ đầu thập niên 40 đến tận bây giờ.
Tư liệu cũ còn ghi lại rằng, việc khám phá và mở đường đầu tiên lên Di Linh và B’Lao trước thời toàn quyền Paul Doumer là danh sĩ Nguyễn Thông, đốc học Bình Thuận. Năm 1869 ông đốc học đã dâng tờ trình Khai Sơn Quốc Nghị lên vua Tự Đức. Nhưng mãi đến năm 1881 vua mới phong thêm cho ông chức Điền Nông Phó Sứ để khai khẩn đất hoang. Với chức vụ cuối đời này, ông tiếp tục thực hiện kế hoạch “khai sơn” từ miền hạ lên miền thượng, trong cuộc viễn hành ấy đoàn người và ngựa của ông đã đi bộ từ Phan Thiết lên.
Trong lịch sử khai hoang mở nước, tại B’Lao đã và đang diễn ra cuộc sống chung hòa bình hạnh phúc giữa các tộc người bản địa và người Kinh, theo tinh thần anh em cùng nhau vỡ đất xây dựng quê hương giàu mạnh lâu dài. Lịch sử vẫn còn ghi lại chiến tích đầu đèo giữa già làng K’Kíu cùng với buôn làng K’Ho của mình ở Lộc Sơn đã tham gia giữ đèo Bảo Lộc với bộ đội Mười Mè trong cuộc chiến tranh Vệ quốc lúc 15 giờ ngày 11 tháng11 năm 1945, và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha khi chết cùng nằm chung nấm mồ với hai liệt sĩ dân tộc Mạ là đồng đội của mình. Trải qua gần 150 năm mở đất, B’Lao vẫn giữ được thương hiệu là xứ sở của cây chè, một loài thảo mộc gắn liền với nền văn minh lúa nước, lúa rẫy và hiện nay là nền văn minh “cây trồng ”.
Lặng lẽ nghề chè
Năm 2010, được tham dự Lễ hội trà Lâm Đồng được tổ chức tại B’Lao, tôi tình cờ gặp được Thạc sĩ Nguyễn Đức Thiết, Hiệu phó trường Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật Bảo Lộc. Thầy Thiết bảo vệ luận văn Thạc sĩ về đề tài cây chè, đã đào tạo hàng ngàn sinh viên và đã gắn bó với nghề này cả nửa đời người. Vì vậy, gần như ông là nhân chứng về sự thăng trầm của nghề chè trên dưới 30 năm tại đất B’Lao. Tuần trước, gặp lại ông trong cuộc Hội thảo về chè chất lượng cao tại Đà Lạt, ông mời tôi về thăm xứ sở chè B’Lao để giới thiệu những người trồng chè mới tại vùng đất Nam Tây Nguyên, thuộc thế hệ thứ hai đã thành công bằng lao động chất xám, kế thừa được sự trải nghiệm của dòng tộc. Nhân những ngày nghỉ lễ dài, tôi phóng xe máy vượt cả quãng đường dài tìm đến nhà ông tại thành phố Bảo Lộc. Như những người có mẫu số chung về yêu thích loại cây công nghiệp này, ông vui vẻ lái chiếc Zace chở tôi đi đến huyện Bảo Lâm gặp gỡ một người B’Lao “chính hiệu” mà ông rất trân trọng.
B’Lao là xứ sở kỳ lạ ở miền Nam, mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, thời điểm xe chúng tôi lăn bánh đang vào đầu mùa hạ, con đường đất dài gần 10km đến huyện Bảo Lâm đầy bụi phủ lên mặt đường nhợt nhạt. Buổi sáng mùa khô ở cao nguyên, trời rông rốc nắng và lòa xòa gió. Đứng trên sơn nguyên này có thể phóng tầm mắt dài theo cả không gian rộng lớn, rừng không còn bao nhiêu nữa, thay vào đó là những đồi chè và cà phê xanh bất tận. Đường vào trang trại “ông B’Lao chính hiệu” đầy những ổ gà lớn và dốc đá lởm chởm đã hất tung chiếc Zace lên xuống như thuyền ra khơi gặp ngày bão tố. Thầy Thiết cho xe chạy chậm dưới những tán thông lá xòe ra như làn tóc xõa. Hai bên vệ đường là những hàng dã quỳ, một loại thảo mộc hoang dã, vào mùa khô còi cọc xơ xác nhưng vẫn nở hoa vàng rực, dọc đường có hàng ngàn con bướm đủ màu bay đậu chấp chới.
Tiếp chúng tôi tại khu nhà xưởng chế biến chè Ô Long tọa lạc trên đỉnh đồi gần dốc B40 thuộc xã Lộc Quảng huyện Bảo Lâm là một người đàn ông trên 50 tuổi với thân hình vạm vỡ cao lớn, da ngăm đen như một võ tướng. Ông tên là Lại Thế Cần, Giám đốc Công ty TNHH chè Ô Long Tam Dương, con ruột của ông cai Liêm, một trong những ông Cai đồn điền chè có tên tuổi vào đầu thập niên 40 tại B’Lao xưa. Ông Cần sinh năm 1957 tại Lộc Sơn, Bảo Lộc và lớn lên như đồng hành với sự thăng trầm nghề chè của bố. Tuổi thơ của ông đã gắn bó với nghề của gia tộc, ông thuộc lòng từng mùa vụ, từng tên tuổi khách hàng cũng như hương vị chè từng vùng trong tỉnh. Lâm Đồng là dải đất cuối cùng ở phía Nam Tây Nguyên, nơi người Pháp đã thí điểm trồng thử cây chè trên diện rộng bằng bản đồ không ảnh từ đầu thế kỷ 20. Tư liệu cũ còn ghi lại rằng để phục vụ cho khu nghỉ dưỡng và khai thác thuộc địa cho đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, người Pháp đã dùng máy bay rải hạt xà nu (thông) và hạt chè trên cao nguyên Đồng Nai Thượng. Vài năm sau họ xuống tận buôn làng K’Ho, Mạ… để thu lại loại cây mới bén rễ từ những hạt năm trước với giá một cây chè non đổi một ký gạo, nếu trên mười cây sẽ được “khuyến mãi” thêm cá khô, nước mắm nhằm mục đích kiểm chứng tại vùng đất sơn nguyên các loại cây trên có thể sống sót và phát triển bền vững! Qua việc gom nhặt cây con đã chứng minh rằng cây chè ở độ cao từ 1200m trở lên mới có thể tồn tại. Nhờ thông số trên, người Pháp đã mạnh dạn lập ra các đồn điền trà dọc theo quốc lộ 20 trên tỉnh Đồng Nai Thượng. Cho đến thập niên 30 tại B’Lao đã có 2170 ha, điều ấy có nghĩa là nghề chè tại B’Lao đã có bề dày 80 năm, trong đó ông cai Liêm gần như được trải nghiệm cả đời mình với cây chè tại vùng đất hoang sơ này. Ông cai Liêm tên đầy đủ là Lại Thế Liêm sinh năm 1917 tại Nam Định, đi phu vào Nam năm 1939, về B’Lao làm việc cho Trung tâm Thực nghiệm cây giống cho Pháp từ năm 1943. Ông Liêm không những thông thạo tiếng Pháp mà còn xử dụng tốt thổ ngữ K’Ho và biết kết hợp các phong tục của cư dân bản địa trong quan hệ giao tiếp. Trong nghề nghiệp của mình, ông nhớ chính xác những con đường đã bẻ cò để cắt rừng vào buôn, cũng như tính cách của các già làng theo từng bộ tộc. Sau năm 1943 ông trực tiếp làm việc cho các đồn điền chè của Pháp tại B’Lao, được phân công làm cai (đốc công) với nhiệm vụ mộ phu và hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho người bản xứ. Là người sống và làm việc có trách nhiệm nên được các ông chủ đồn điền Pháp tin cậy. Vì vậy, vào năm 1946 khi nghe tin Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia Vệ quốc đoàn, trực tiếp lãnh đạo một đơn vị vũ trang tại B’Lao, trong cương vị mới ông đã chỉ huy nhiều trận đánh bất ngờ tiêu diệt và làm thương vong cho đội quân viễn chinh Pháp ở địa phương. Sau năm 1948 ông bị bắt rồi bị chính quyền Pháp ở Đồng Nai Thượng kết án tử hình. Nhưng nhờ mẹ ông, người đã làm hết sức mình để cứu con. Thông qua một vị linh mục, bà biết được viên khâm sứ Pháp sẽ đi kiểm tra B’Lao, nên bà đã chờ ở Cầu Trắng đội đơn trên đầu quỳ giữa đường chặn xe xin tha tội chết cho con. Cảm động trước tấm lòng của người mẹ, viên khâm sứ cho xe dừng lại đứng xem đơn rồi phê duyệt tại chỗ chuyển ông cai Liêm thành tù giam. Đến năm 1950 ông ra tù, trở lại duyên nợ với nghề chè B’Lao “một tôm hai tép” cho đến ngày đất nước thống nhất.
Thế hệ chè B’Lao thứ hai
Ông Lại Thế Cần, người yêu B’Lao đến kỳ lạ.Ông kể cho chúng tôi nghe vanh vách từng sự kiện trên các con đường, từng đồi chè cũng như từng ông chủ đồn điền đã thành công và thất bại. Có thể nói dải đất cao nguyên này, nơi đâu cũng đầy ắp kỷ niệm vương vấn từ thời ông bà nội đến bố mẹ và tuổi thơ của ông. Mỗi lần đi qua khu Cầu Trắng ông hình dung bà nội ông đang quỳ đội đơn giữa đường, khi đi Lộc Bắc ông mơ hồ nhìn thấy bố đang cưỡi ngựa vào buôn làng để thuê mướn nhân công, vào Lộc Nga lại nhìn thấy mẹ đang hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho cư dân bản địa…. Đất và chè B’Lao đã trở thành máu thịt của ông. Sau ngày đất nước thống nhất, 100ha đất trồng chè của gia tộc họ Lại chuyển sang sở hữu toàn dân, ông chuyển sang làm xà phòng mang tên xà bông B’lao với nhãn hiệu 3 cây thông, rồi chuyển sang nuôi heo, làm việc cho Công ty Lâm sản. Vào thời bao cấp, cho dù làm việc gì để kiếm sống, nhưng khi có dịp đi ngang vườn chè ông vẫn đau đáu mong được trở về nghề của gia tộc mình như một khát vọng cháy bỏng đời người. Với ý chí vươn lên, ông vừa làm vừa học rồi tốt nghiệp đại học kinh tế chuẩn bị cho con đường đi lên bằng trí tuệ.
Sau năm 1990 tỉnh Lâm Đồng cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư nghề chè. Hầu hết các doanh nghiệp như Nhật, Trung Quốc, Đài Loan đều chỉ thuê đất để xây dựng xưởng và trồng chè Ô Long trên đồi cao. Là dân có gốc nghề chè, ông Cần luôn trăn trở tại sao các nhà đầu tư này chỉ quan tâm đến loại trà Ô Long! vậy việc chế biến và thị trường tiêu thụ khác với loại trà truyền thống “một tôm hai tép” của Việt Nam như thế nào! Vào thời điểm đó mặt hàng trà Ô Long tại Lâm Đồng chưa phổ biến.Vì vậy để có kiến thức loại hàng mới này, ông lao vào tìm hiểu nghiên cứu phân tích. Ngày ấy chưa có mạng toàn cầu nên ông phải tự thân lặn lội tìm tư liệu trong và ngoài nước. Hiện nay trong nhà xưởng ở giữa rừng của ông có cả một thư viện đến vài ngàn đầu sách về nghề chè bằng tiếng Việt, Hoa, Anh và Pháp. Từ kiến thức của nhân loại về trà Ô Long, ông xác định việc chọn giống, phân loại đất, từ trồng chăm sóc đến chế biến và thị trường. Ông Cần tâm niệm muốn làm nghề gì phải trở thành chuyên gia về nghề đó và biết tìm kiếm các nguồn lực từ vô hình đến hữu hình để làm đòn bẩy kích hoạt.
Trà Ô Long xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc cách đây 400 năm, nhưng chỉ dùng để phục vụ cho hoàng tộc và quan lại. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một thợ săn tên là Hồ Long ở tỉnh Phúc Kiến, trong chuyến đi săn thú rừng, gặp lúc trời nóng bức nên ông bẻ những cành lá che mát rồi mang luôn về nhà. Đến sáng hôm sau ông phát hiện nhà ông có mùi thơm lạ, sau nhiều lần tìm kiếm, ông phát hiện mùi thơm ấy chính là lá cây rừng ông đã mang về hôm trước. Ông Hồ Long pha uống thử như trà, sau đó ông có cảm giác người khỏe ra với một mùi vị rất đặc trưng. Ngay hôm sau ông lên rừng đào gốc về trồng lấy lá pha nước uống, nhưng không được mùi thơm như trước. Ông nhận ra rằng phải có thời gian phơi và ủ trong mát loại thảo mộc này mới tỏa được hương thơm lừng như thế. Sau này để tưởng nhớ đến ông người ta đã lấy Hồ Long đặt tên cho loại trà quý hiếm này (tiếng Phúc Kiến khi phát âm Hồ Long là Ô Long).
Trà Ô Long (tiếng Anh là Black dragonbrown tea) xuất hiện tại Việt Nam từ sau cuối những năm 80 được trồng từ Mộc Châu, Hà Giang, Lào Cai… giống do người Đài Loan mang đến, nhưng tại Lâm Đồng loại trà này phát triển tốt và có vị rất đặc trưng đúng với nguồn gốc. Đây là loại trà chất lượng cao trị được nhiều thứ bệnh, hương vị tự nó tỏa ra sau khi ủ theo một lập trình kỹ thuật chứ không cần thêm phụ liệu; trung bình mỗi ha đạt 200 triệu đồng/ năm, cao gấp nhiều lần loại trà truyền thống “một tôm hai tép” ở địa phương. Nếu giống chè mua tại Đài Loan được trồng theo một quy trình nghiêm ngặt, năng suất 1 ha từ 12 đến 15 tấn tươi/ năm (giá 1kg tươi 1đôla). Hiện nay, Lâm Đồng chỉ có 1500 ha chè Ô Long chiếm 6% diện tích chè toàn tỉnh,chủ yếu nằm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Là người xuất thân từ một gia tộc có bề dày về nghề chè, ông Cần trăn trở xem xét thị trường giữa nội tiêu, ngoại tiêu và quyết định chuyển sang trồng chè mới này. Dựa vào năng lực kinh tế và kiến thức nghề nghiệp hiện có, năm 2003 ông chọn xã Lộc Quảng nơi vùng đất đồi khô thoáng để trồng thực nghiệm 4ha loại thảo mộc này. Ông tập họp vài người có chút ít kinh nghiệm và sống chết với nghề vào làm việc. Những công nhân này được ông khoán quỹ lương và quản lý lao động theo cung cách của các Công ty Nhật và kết quả cuối cùng về năng suất và chất lượng trà như ông mong đợi. Đến năm 2005 Trung tâm Thực nghiệm chè Lâm Đồng thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng đã sản xuất được giống trà Ô Long chất lượng không kém gì Đài Loan. Việc nghiên cứu thành công giống trà mới của Lâm Đồng đã chắp cánh cho ông Cần phát triển mạnh hơn theo xu thế hàng Việt Nam chất lượng cao.
Để giữ uy tín mặt hàng của mình, ông Cần cùng với công nhân có mặt hàng ngày trên đồi chè, cả chủ và thợ đều mặc những bộ quần áo xanh bạc màu lặng lẽ làm việc giữa đồi cao với những ước mơ lớn. Đến năm 2010 Công ty TNHH trà Ô Long Tam Dương đã trồng được 50 ha chè với sản lượng500 tấn/ năm, đồng hành với các công ty trà Đài Loan và Trung Quốc tại huyện Bảo Lâm. Và để quản lý đến sản phẩm cuối cùng của mình, năm 2011 ông Cần xây dựng khu nhà xưởng bề thế ngay tại nông trang chè của mình với diện tích gần 3000m2 tính cả mặt đất và nhà sàn. Đó là một trong những nhà máy chè Ô Long tư nhân của người B’Lao đầu tiên trên quê hương mình, bên cạnh những công ty nước ngoài với lượng khách hàng khu vực bền vững.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lại Thế Cần vui vẻ “Hội nhập kinh tế thị trường, trong các kiểu thua, thua ngay trên sân nhà là “đau” nhất. Người B’Lao mình đã có gần 100 năm nghề chè mà chào thua với những người tập tễnh vào cuộc thì buồn lắm. Ít ra chè Ô Long nội địa cũng phục vụ được 40 triệu người Việt Nam uống trà hiện nay. Trong tương lai Công ty Tam Dương sẽ góp phần nhỏ trong việc nâng cao hàng xuất khẩu. Thành công của chúng tôi chỉ mới trong giai đoạn khởi đầu. Hiện nay, công ty đang đồng hành theo các quy luật của thị trường, từ lao động đến nguyên liệu, nguồn vốn và chiếm lĩnh thị phần. Chúng tôi mong các ban ngành trong tỉnh, trong nước và tất cả những ai sống chết với nghề truyền thống hãy động viên và tạo điều kiệt tốt cho những người làm chè, để thực hiện chủ trương lớn của nhà nước về xử dụng hàng nội địa xuất khẩu”.
Xứ chè B’Lao nhìn từ đỉnh S’Pung
Án ngữ phía Nam của thành phố Bảo Lộc hôm nay là một dãy núi dài hùng vĩ có tên là Đại Bình với đỉnh S’Pung cao đến1.100m. Từ ngọn núi này có thể nhìn thấy toàn cảnh B’Lao xưa, thấy được màu xanh của rừng núi đại ngàn và cũng có thể phát hiện ra diện tích rừng trong sơn nguyên này bị thu hẹp lại đến mức báo động; thay vào đó là những đồi chè và cà phê trải dài phủ lên những ngọn đồi bất tận. Những buôn dân tộc Mạ và K’Ho năm xưa đã được Nhà nước đưa về sống chung với những người anh em mới mà thần linh đã căn dặn năm nào. Những căn nhà dài của các cư dân bản địa ngày ấy cứ mất dần nay chỉ còn là câu chuyện kể bên bếp lửa hồng trong đêm dài buôn cũ, vùng sơn cước đầy thú dữ chực chờ và dây rừng chằng chịt cản lối đi từ thuở hồng hoang nay đã thay da đổi thịt. Chuyện phát triển nghề chè của các tiền bối như ông cai Liêm, ông cai Dậu…, chuyện thắp đèn dầu làm chè vào năm 1952 của hai anh em danh trà Đỗ Hữu, những người đã viết giấy khai sinh cho nghề chè Bảo Lộc đến nay đã chuyển thành dây chuyền công nghiệp. Các bậc tiền nhân nghề chè một thời mang gươm đi mở nước đã lần lượt trở về với đất, để lại một thế hệ trẻ đầy năng động, chính họ là những hậu duệ mang thương hiệu chè B’Lao đi khắp các vùng miền đã lan tỏa mùi hương phố núi này đến tận các thị trường khó tính trên thế giới. Đường quốc lộ 20 bề rộng 4m, hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 1927 đã được nâng cấp bao lần nay đã hoàn toàn khác lạ, đã qua rồi thời chuyến xe Tégrandsix cuối tuần vờn nhau với cọp Bà Sa nữa.Hiện nay trên quốc lộ này ngày đêm có 16 ngàn lượt xe đời mới xuôi ngược trên con đường mà 85 năm trước 400 người nông phu làm việc suốt ngày đêm đã không còn nữa, trong số ấy có những người phu nằm xuống vì sốt rét hoặc bị cọp vồ để lại hai bên vệ đường những nấm đất hoang tàn không mộ chí. Đỉnh S’Pung như chiếc hộp đen ghi lại những chứng tích bi hùng của B’Lao xưa biết bao mùa lá rụng. B’Lao bây giờ là thành phố trẻ đường rộng, phố xá sầm uất với những khu công nghiệp mới đang hối hả chào mời. Người B’Lao cũng luân phiên thay áo mới cho vừa với tầm vóc, nhưng vẫn còn giữ đôi mắt tinh tường “sương mù phố núi” để nhìn đời và để nhìn ta.
Về B’Lao vào những chiều hoàng hôn tím ngắt, ngồi nhâm nhi ly trà nóng ở nhà Thủy Tạ hồ Đồng Nai, nhìn ra dãy núi Đại Bình, ánh tà dương mờ nhạt rồi mất hút giữa không gian tĩnh mịch. Từ trong bóng đêm cao nguyên, bạn và tôi mơ hồ xem được những hình ảnh nhạt nhòa của B’Lao xưa được ghi lại từ chiếc hộp đen trên đỉnh S’Pung. Trong chiếc hộp được giải mã ấy chập chờn hiện lên những con người tiều tụy xơ xác, lê chân trần đen đúa của hai anh em Kinh, Thượng tựa vào nhau oằn vai gùi chè với tiền công hai hào rưỡi một ngày… Phường B’Lao hiện nay đang tọa lạc giữa trung tâm thành phố trẻ, những cư dân mới đến đôi khi ngỡ ngàng, khi bất chợt ai đó nhắc đến địa danh này. Nhưng không phải tất cả trong số họ ai cũng biết xứ chè B’Lao trải rộng năm xưa đã trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, nhưng tất cả những dĩ vãng bi hùng một thời xa xôi ấy là nền tảng cho thành phố Bảo Lộc hôm nay./.
Không có nhận xét nào:
Like hoặc No