MỘT GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC THẤM ĐẪM TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC CỦA CON NGƯỜI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Nhà văn Lê văn Thảo (Đồng Tháp)
Hằng năm, đến hẹn lại lên, giải thưởng văn học về truyện ngắn ĐBSCL năm nay được tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức, có 52 tác phẩm vào chung khảo, các truyện đa dạng về đề tài và chủ đề, viết về kiếp sống thương hồ, chuyện đào kinh Vĩnh Tế, chợ nổi, tìm mộ liệt sĩ, chuyện binh vận thời chống Mỹ, chuyện chăn bò trên đất bạn Căm-pu-chia, đi lao động nước ngoài... phản ánh chân thật cuộc sống và con người ĐBSCL, vùng đất của 13 tỉnh thành chằng chịt sông rạch, dảy Thất Sơn hùng vĩ nổi lên một cách kỳ thú giữa những cánh đồng lúa trải dài bạt ngàn.
Truyện Giang hồ vặt của Lê Minh Nhựt ở Cà Mau có cốt truyện đặc trưng cho cuộc sống miền sông nước. Vùng đất bình nguyên rộng lớn của ĐBSCL có nhiều nét chung về thiên nhiên và con người, nét hoang dã còn lại của thời kỳ khai phá. Kiếp thương hồ là một trong những đặc trưng ấy, có trong máu của không ít chàng trai trẻ, công việc làm ăn đầu tắt mặt tối cần phải bươn chãi, gắn bó với đất đai nhưng cũng thích chu du, mơ ước đến với những vùng đất la,ï cuộc sống mới lạ. Chuyến đi rong ruổi của chàng trai trẻ trong truyện tưởng bình lặng êm xuôi bỗng xuất hiện cảnh gặp lại người mẹ nhiều năm đi hoang, tình tiết làm nên nét riêng, số phận riêng của truyện.
Truyện Đường đi của con trùn đất của Kim Tuyến ở Đồng Tháp cũng nói về cuộc sống khổ cực, đầu tắt mặt tối của con người ĐBSCL. Cuộc sống không dễ dàng gì trên mảnh đất tưởng trù phú, rừng vàng biển bạc này. Nhưng muốn thoát ra khỏi cũng vô cùng khó khăn, không thể bằng ý chí chủ quan hoặc phiêu lưu liều lĩnh. Nhân vật chính của chúng ta đã ba lần ra đi, hai lần đầu phiêu lưu liều lĩnh không làm nên chuyện gì, đến lần thứ ba mới tự trang bị cho mình bằng con đường học vấn đúng đắn, bước đi chậm nhưng vững chắc. Đó là con đường cũng đúng cho nhiều người, thực trạng cần phải vươn lên của con người cuộc sống ĐBSCL.
Truyện Ngày mai con đi của Thanh Bình - Đồng Tháp cũng nói về những mảnh đời khổ cực ở nông thôn hiện nay, tên truyện thể hiện quyết tâm tìm hướng đi mới của một cô gái nhưng mặt khác nó cũng giống như tiếng kêu hốt hoảng, hoang mang không biết rồi cuộc sống mới hứa hẹn điều gì, tốt đẹp hay những bất trắc, hiểm nguy?
Truyện Những cọng rơm vàng của Anh Đào ở Kiên Giang là một truyện đáng đọc. Chuyện cô gái quê "phải lòng" một anh nhà giàu tỉnh thành là chuyện thường tình. Anh chàng nói dối để được ăn nằm với cô gái cũng là thói ong bướm thường tình. Nhưng tác giả đã đẩy xa hơn những chuyện thông thường ấy, tình yêu là thứ không thể quên dù chỉ trong thoáng chốc. Lần gặp gỡ tưởng là qua đường của người đàn ông tỉnh thành hóa ra là tình sâu nghĩa nặng. Thật cảm động cảnh gặp gỡ người đàn ông tỉnh thành với đứa con rơi của mình, và chuyện cưu mang của người ngư dân với mẹ con cô gái. Một truyện ngắn mang dáng dấp một truyện dài với nhiều tình tiết nhiều số phận, nhiều tính cách điển hình cho cuộc sống, cho con người miền đồng bằng Nam Bộ.
Truyện Đám mây ngũ sắc của Ngô Thị Thu Vân ở Bến Tre mang tính chất biểu trưng. Một người phụ nữ thật thà chân chất, cả đời lo cho đàn em, xả thân vì mọi người, không có chút gì về mình, xong việc rồi chỉ mong nhắm mắt xuôi tay "cởi đám mây ngũ sắc" về trời. Một con người khó có trong thực tế, nhưng ta vẫn tin, vẫn cảm thông yêu mến, mong gặp ở đâu đó.
Tác giả Ngô Thị Thu Vân ở Bến Tre có truyện ngắn Đón má về cũng đáng được nhắc đến. Cuộc sống khắc nghiệt của vùng đồng bằng khiến không ít người ôm mộng ra đi để đổi đời, lên thành phố lớn, ra nước ngoài. Nhưng mấy ai có được mộng ước biến thành hiện thực. Truyện miêu tả cảnh mấy đứa trẻ ra sân bay đón người mẹ đi lao động nước ngoài về, những tưởng gặp được người mẹ thương yêu nhiều tiền bạc, nào ngờ chỉ gặp một mớ xương cốt.
Chuyện của ngày hôm qua của Trọng Quí ở Đồng Tháp là chuyện thời chiến tranh chống Mỹ, đã 40 năm trôi qua nhưng chưa cũ chút nào. Một thế hệ những người kháng chiến đã già lão, nhưng còn có thế hệ khác những con cháu nối tiếp, chúng cần phải biết những gì đã xảy ra trên mảnh đất còn chưa mất hết dấu vết bi thương này. Một anh thanh niên Việt kiều Mỹ về nước tìm hiểu chuyện về cha mình, một sĩ quan chế độ cũ, biết ra rằng chính tiếng khóc trẻ thơ năm xưa của anh đã cứu anh và cha anh thoát chết trong một trận công đồn. Nói một cách khác, không phải do may mắn, mà do lòng nhân và chính nghĩa của cuộc chiến tranh yêu nước.
Cuộc thi thật khó phân định thứ hạng. Truyện Hồn về Nghĩa trủng của Nguyễn Thượng Hiền ở Cần Thơ tuy không có thứ hạng cao nhưng thật đáng quí về giá trị văn học và ý nghĩa lịch sử trong việc dựng lại việc đào kinh hào hùng của Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc. Một mối tình đẹp của đôi trai gái bên cạnh một công việc đẹp. Và cũng bi thương khắc nghiệt như chính công việc đào kinh ấy.
Cũng như vậy, với truyện Đất khát của Minh Hoàng ở Đồng Tháp. Đây là một thực trạng nhức nhối ở nông thôn hiện nay. Cảnh đô thị hóa nông thôn, sân gôn mọc lên tràn lan, đất canh tác bị thu hẹp, đất ruộng bị xẻ đất phân lô bán làm nền nhà, nông dân ôm một cọc tiền không biết có đúng giá trị không, cũng không biết phải làm gì, lao vào phung phí trong các quán tiệm, cha mẹ anh chị em bà con xung khắc hiềm khích nhau. "Giá đất lên, tình người xuống", đó là thông điệp truyện ngắn muốn nói.
Cuộc thi đã khép lại với 13 giải thưởng. Thật ra thu hoạch của mùa giải lớn hơn nhiều, đó là đã phát động được phong trào sáng tác của vùng miền. Văn học ĐBSCL trong nhiềâu năm gần đây đã khởi sắc nhiều mặt, hiếm có vùng đất rộng trù phú cả 13 tỉnh thành với nhiều nét chung về thiên nhiên và con người, có cuộc thi chung về VHNT không nơi nào có. Đó là điều đáng quí nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Chúng ta còn chưa bằng lòng với số hội viên ít ỏi của vùng đất rộng lớn, sáng tác chưa rộng khắp, tác phẩm còn chưa được trau chuốt về văn phong. Là vùng đất mới ngôn ngữ phần nào chưa định hình, trong văn chương đôi lúc cũng chưa phân định rạch ròi giữa văn nói và văn viết. Về cơ chế, phải chăng chúng ta cần xúc tiến thành lập qui chế chấm giải chặt chẽ, thống nhứt hằng năm chung cho vùng miền, cho tất cả các Hội.
Trong non tháng Ban giám khảo chúng tôi đã đọc kỹ, chấm điểm công tâm trên bản thảo đã rọc phách. Nhưng dù sao đây cũng là thẩm định của một ban giám khảo, còn có sự thẩm định khác lớn hơn, đó là thời gian và công chúng bạn đọc. Các tác phẩm đã được in bắt đầu sống trong thế giới chữ nghĩa có số phận của riêng nó.
Cuộc thi kết thúc cũng là bắt đầu, công việc viết văn là liên tục, xin chúc các bạn nhà văn ĐBSCL những ngày tháng tiếp theo có nhiều hứng khởi mới với những trang viết mới.
Không có nhận xét nào:
Like hoặc No